Được phát hiện có bệnh ở mắt nhưng lại không chịu điều trị vì… sợ, vì ngại – đó là “căn bệnh” khá phổ biến ở người cao tuổi. Hậu quả là bệnh đục thủy tinh thể ở người già ngày càng nặng, cuối cùng họ vẫn phải điều trị nhưng trong giai đoạn muộn.
Hoang mang vì thiếu hiểu biết
Bà Vũ Thị H., 65 tuổi (ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) được con đưa đến một bệnh viện lớn ở Hà Nội khám vì mắt kém, một bên mắt gần như không thấy gì mà theo bà mô tả là “như có cục gì ở đằng trước”. Trước đó, bà có khám mắt ở địa phương, được phát hiện có bệnh đục thuỷ tinh thể, bác sĩ khám đề nghị bà mổ nhưng bà khất để về thu xếp.
Kỳ thực là về nhà bà… hỏi ý kiến các con và bà con láng giềng. Nghe có người nói: ở xã bên, xóm bên có người cũng bị đục thể thuỷ tinh, đi mổ về hỏng mắt luôn, thế là bà sợ và không định điều trị nữa. Chỉ khi bà thấy mắt ngày càng kém, ảnh hưởng nặng đến sinh hoạt, lao động, lại thêm sức ép của các con bắt mẹ đi khám bà mới đồng ý để cậu con trai chở đến viện.
Không chỉ riêng trường hợp như bà Vũ Thị H., hiện nay có khá nhiều người mắc bệnh đục thủy tinh thể vì thiếu hiểu biết mà tránh né điều trị, để đến khi mắt không còn nhìn thấy nữa mới chấp nhận điều trị thì đã muộn.
Theo BS. Phan Thanh Nga (Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội), hỏng mắt do mổ đục thể thuỷ tinh có tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân ngoài việc do kỹ thuật, tay nghề bác sĩ kém thì đa số là do yếu tố bệnh lý tại mắt, nhất là những trường hợp để đục thể thủy tinh quá chín gây biến chứng.
Bệnh nhân nếu đã được xác định bị đục thể thuỷ tinh và phải mổ thì nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, bởi nếu để lâu sẽ bị biến chứng, lúc đó, bệnh nhân cũng sẽ phải mổ nhưng khả năng phục hồi là thấp.
Các chuyên gia đầu ngành về mắt đều khẳng định: Mổ mắt mà hỏng luôn mắt là trường hợp hãn hữu, thường gặp nhất là do bệnh nhân đã bị tổn thương đáy mắt trước mổ, và sau mổ thị lực không hồi phục.
Kết quả phẫu thuật có phần phụ thuộc tay nghề bác sĩ; vì vậy, việc mổ ở đâu, ai mổ là điều bệnh nhân cần cân nhắc, lựa chọn. Nói chung, nên chọn đơn vị chuyên khoa với những bác sĩ có uy tín và kinh nghiệm.
Tại các chương trình khám mắt miễn phí ở địa phương, nhiều người cao tuổi dù chẳng bận gì cũng tránh khám, hoặc khám xong thấy hoang mang vì “sao nhiều người đục thể thuỷ tinh thế?”; không ít người còn nghi ngờ bác sĩ vì “sao ai cũng cùng một bệnh và bắt phải mổ?…”.
Lý giải về việc này, theo các chuyên gia, cần phải hiểu, về nguyên tắc, khi 50 tuổi trở lên, mắt đã bị đục dần ở các mức độ khác nhau. Điều này cũng giống như hiện tượng bạc tóc, có người bạc ít, có người bạc nhiều với độ tuổi chung bắt đầu bạc là từ 50 tuổi trở lên.
Đục thể thuỷ tinh nếu không điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó biến chứng phổ biến nhất là tăng nhãn áp. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân gây mù loà nhiều nhất hiện nay. Vì vậy, nếu đã phát hiện bệnh, người bệnh cần điều trị sớm, tuyệt đối không trốn điều trị để tránh mù lòa.
Xem thêm: Mổ đục thủy tinh thể mắt sáng trong bao lâu
Nội Dung Bài Viết
Nguyên nhân bệnh đục thủy tinh thể ở người già
Suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể là một trong những bệnh về mắt phổ biến nhất ở người già. Đục thủy tinh thể không gây đau đớn, không có triệu chứng rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Chỉ đến khi bệnh nặng, thị lực suy giảm nghiêm trọng, người bệnh mới chấp nhận chữa trị.
Thủy tinh thể là một thấu kính giúp tia sáng đi qua, hội tụ trên võng mạc. Thủy tinh thể giống như một khối thạch trong suốt, được cấu tạo chủ yếu từ các protein được sắp xếp theo một trật tự cố định. Khi thủy tinh thể bị đục sẽ cản trở ánh sáng đi qua, khiến hình ảnh phản chiếu bị mờ nhòe, không rõ ràng, khó phân biệt màu sắc.
Bệnh đục thủy tinh thể phát triển như một sự thoái hóa tự nhiên của mắt. Theo thời gian, các gốc tự do sinh ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể sẽ gây tổn thương các protein trong thủy tinh thể.
Khi các protein này bị phân hủy, khiến trật tự sắp xếp bị đảo lộn, sẽ tạo thành hiện tượng mờ đục. Ngày nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống hiện đại, ô nhiễm môi trường, thường xuyên tiếp xúc nhiều với chất kích thích…
Ngoài ra một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể như:
– Những người bị cao huyết áp, đái tháo đường
– Trong gia đình có người từng bị đục thủy tinh thể
– Tác dụng phụ của thuốc chống viêm steroid, nhóm thuốc statin hạ mỡ máu…
Mổ đục thủy tinh thể sớm – tránh biến chứng
Đục thủy tinh thể khiến tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng; mắt bị lóa và trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, quan sát khó khăn vào đêm tối hoặc dưới bóng râm; có chấm đen trước mắt (giống như ruồi bay), tầm nhìn bị hạn chế như khi nhìn qua lớp sương mù,…
Bệnh tuy không gây đau đớn, triệu chứng cũng không rõ ,nhưng có thể nói đây là một bệnh rất nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng như viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, thậm chí là mù lòa. Bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm, khả năng hồi phục là rất cao (trên 90%).
Xem thêm: Chi phí mổ đục thủy tinh thể
Tuy nhiên, người già vì tâm lý lo ngại, không đi khám mắt định kỳ, hoặc đi khám có bệnh nhưng không điều trị khiến bệnh ngày càng nặng. Khi đục thủy tinh thể vào giai đoạn nặng, tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, cườm trở nên quá cứng sẽ gây khó khăn cho phẫu thuật, dễ xảy ra tai biến trong quá trình mổ, hồi phục sau mổ cũng lâu hơn.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân vì cho rằng mắt vẫn còn thấy đường nên không chịu phẫu thuật, đợi đến khi bệnh biến chứng khiến thần kinh, mắt teo lại không thể hồi phục thì bác sĩ có giỏi đến thế nào cũng không thể giúp mắt hồi phục, bệnh nhân bị mất thị lực hoàn toàn. Hay nhiều người do để cườm quá lâu, sau phẫu thuật bị phù giác mạc kéo dài hơn so với các ca mổ thông thường khác.