Mộng thịt dân gian thường gọi là màng mây mắt hình rẻ quạt, là nếp kết mạc và mô xơ mạch hình quạt câm lấn vào bề mặt giác mạc. Mộng thịt thường do thoái hóa của kết mạc nhãn cầu dưới tác dụng của tia cực tím (ánh nắng).
Nội Dung Bài Viết
Mộng thịt là gì?
Mộng thịt thực chất là một dạng u nhưng không phải ung thư, thường có màu hồng nhạt, hơi gồ lên và có thể nhìn thấy mạch máu ở trên. Bệnh thường bắt đầu ở góc trong (phần tròng trắng) của mắt và lan hướng vào trung tâm mắt (lòng đen).
Đầu mộng có thể chạm đến phần giác mạc che phủ 1 phần con ngươi. Bệnh lý này có thể xảy ra trên một hoặc cả hai mắt, ảnh hưởng đến những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mộng thịt thường thấy ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 – 40, khá hiếm gặp ở trẻ em. Bệnh phổ biến ở nam nhiều hơn nữ.
Triệu chứng của bệnh mộng thịt
Mộng thịt thường không có nhiều triệu chứng nghiêm trọng ngoài những cảm giác cộm xốn như có dị vật trong mắt. Triệu chứng cụ thể thường thấy của bệnh như đỏ mắt, mờ mắt, ngứa mắt, kích ứng mắt, mắt khô, cảm giác có vật lạ ở trong mắt.
Mộng thịt khi xâm lấn vào giác mạc nhiều sẽ gây suy giảm thị lực.
Nguyên nhân gây mộng thịt
Tuy chưa xác định được nguyên nhân gây ra mộng thịt nhưng một số nhà khoa học cho rằng nó có thể là kết quả của việc tiếp xúc thường xuyên, nhiều giờ dưới ánh sáng mặt trời và gió, những người sống trong vùng khí hậu nhiệt đới hoặc khí hậu khô.
Có nhiều yếu tố khiến nguy cơ mắc mộng thịt cao như:
- Sống ở các nước gần đường xích đạo, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên hơn.
- Làm các công việc ngoài trời.
- Các chất gây kích ứng mắt như bụi, gió, phấn hoa và khói có thể gây khô mắt.
Điều trị mộng thịt
Để chẩn đoán được bệnh mộng thịt, bác sĩ cần làm các xét nghiệm bổ sung như:
Kiểm tra thị lực bằng cách yêu cầu bạn đọc bảng chữ.
Đo giác mạc được sử dụng để đánh giá sự thay đổi độ cong của giác mạc.
Ảnh tư liệu, bao gồm việc chụp hình trước và sau để theo dõi tốc độ tăng trưởng của mộng thịt.
Khi bị các triệu chứng nhẹ, mộng thịt không cần điều trị. Tuy nhiên, khi người bệnh cảm thấy khó chịu, bác sĩ sẽ tìm cách xử lý bằng cách:
- Dùng thuốc nhỏ mắt bôi trơn, nước mắt nhân tạo hoặc thuốc mỡ.
- Có thể dùng thuốc nhỏ mắt làm co mạch để giảm triệu chứng đỏ mắt và thuốc nhỏ mắt steroid làm dịu viêm dùng trong thời gian ngắn.
Với tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, mộng thịt có thể làm cản trở tầm nhìn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ mộng thịt khi thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ không có tác dụng. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định vì lý do thẩm mỹ hoặc nếu nó ngăn chặn tầm nhìn.
Tuy nhiên, mộng thịt có thể tái phát và phát triển mạnh hơn sau khi phẫu thuật. Mắt cũng có thể dễ bị khô và kích thích sau đó. Vì thế, bệnh nhân chỉ nên phẫu thuật khi: Các phương pháp điều trị khác thất bại; thị lực giảm; bạn khó chịu vì lý do thẩm mỹ hoặc do ý kiến từ người khác về mắt đỏ, mộng thịt ngừng tiến triển.
Phẫu thuật mộng thịt thường mất khoảng 30 – 45 phút. Trong quá trình phẫu thuật, mộng thịt sẽ được cắt bỏ và thay bằng kết mạc tự thân hoặc màng ối được bảo quản đặc biệt. Nếu không được ghép chỗ mộng thịt đã cắt bỏ, nguy cơ tái phát tăng lên đến 50%.
Ngăn ngừa bệnh mộng thịt
Ngăn ngừa bệnh mộng thịt bằng lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà như:
- Đeo kính râm khi đi ra ngoài.
- Cho phép mắt được nghỉ ngơi trong bóng râm sau một thời gian dài ở ngoài trời.
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo để dưỡng ẩm mắt.
- Tránh bụi gió, khói và phấn hoa.
- Khi bị bệnh, hãy đến các bệnh viện mắt uy tín để bác sĩ khám và điều trị.
Tài liệu tham khảo