“Tôi có bệnh tăng huyết áp, có mổ Phaco được không?”, “Mổ điều trị đục thủy tinh thể tức là đục mắt ra à?”, “Mổ liệu có biến chứng gây mù không?”… Rất nhiều câu hỏi được đưa ra khi bệnh nhân đi khám mắt, được chẩn đoán là đục thủy tinh thể và bác sĩ khuyên nên thay thủy tinh thể. Những hiểu biết lõm bõm về bệnh có thể khiến bệnh nhân hoang mang, chần chừ trong việc quyết định mổ hay không! Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp mổ Phaco điều trị đục thủy tinh thể nhé!
Nội Dung Bài Viết
Mổ Phaco là gì?
Phaco là viết tắt của Phacoemulsification. Phẫu thuật Phaco tức là dùng năng lượng sóng âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo (vết mổ sẽ tự liền mà không cần khâu). Đây là phẫu thuật an toàn, hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay để điều trị đục thủy tinh thể.
Phẫu thuật Phaco có ưu điểm là:
-Thời gian phẫu thuật nhanh: chỉ từ 5-10 phút/ca
-Không đau, không chảy máu, bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày.
-Vết mổ nhỏ, không cần khâu, giảm hiện tượng loạn thị.
-Thị lực phục hồi sớm và tốt sau mổ một hoặc vài ngày.
-An toàn, giảm các biến chứng của phẫu thuật.
-Có thể điều chỉnh một số tật khúc xạ (những bệnh nhân có tật khúc xạ sau khi mổ sẽ không cần phải đeo kính).
Xem thêm: Mổ đục thủy tinh thể mắt sáng trong bao lâu
Người có bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp thì có mổ Phaco được không?
Trước khi thực hiện Phẫu thuật Phaco, bệnh nhân sẽ được khám nội tổng quát (xét nghiệm các chỉ số đường máu, đo huyết áp, điện tim…) để chắc chắn rằng sức khỏe đáp ứng được cuộc mổ.
Những bệnh nhân đục thủy tinh thể có kèm bệnh tăng huyết áp, tiểu đường thì phải đảm bảo có chỉ số huyết áp và tiểu đường ổn định. Những trường hợp bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tiểu đường đang ở mức cao, huyết áp không ổn định thì sẽ phải điều trị cho tới khi tình trạng sức khỏe ổn, cho phép thực hiện cuộc mổ. Phẫu thuật Phaco không có chống chỉ định với bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường.
Xem thêm: Chuẩn bị gì trước ngày phẫu thuật Phaco
Có thể chỉ uống thuốc, không mổ thay thủy tinh thể có được không?
Đục thủy tinh thể được chia thành các mức độ: đục bắt đầu, đục tiến triển, đục gần hoàn toàn, đục hoàn toàn. Theo hình thái và vị trí lại có phân chia thành: đục nhân, đục vỏ, đục bao sau. Tùy tình trạng và giai đoạn bệnh mà bác sĩ nhãn khoa sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
Nếu đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu, thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc để làm chậm tiến trình đục thủy tinh thể (thuốc chỉ kìm hãm quá trình đục thủy tinh thể, không để quá trình đục tiến triển nhanh chứ không chữa được bệnh). Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ có những lời khuyên cụ thể cho bệnh nhân về thay đổi thói quen sinh hoạt như: đeo kính râm khi ra đường, ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin có lợi cho mắt…
Khi đục thủy tinh thể đã có chỉ định mổ thì bệnh nhân nên mổ càng sớm càng tốt. Việc phẫu thuật đúng thời điểm rất quan trọng vì:
-Tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật Phaco
-Thị lực sẽ phục hồi sớm và tốt
-Quá trình mổ an toàn, ít biến chứng trong phẫu thuật.
Xem thêm: Chi phí mổ đục thủy tinh thể
Sau khi phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể, bệnh nhân có cần kiêng kị gì khi ăn uống không?
Theo lời khuyên của các chuyên gia nghiên cứu tại allaboutvision Sau phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống bình thường, miễn đảm bảo đủ chất. Những thông tin như ăn rau muống gây sẹo lồi, ăn thịt gà gây nhức mắt… đều là thông tin không có căn cứ khoa học. Về ăn uống, bệnh nhân chỉ cần tránh dùng đồ cay nóng và các chất kích thích.
Điều bệnh nhân cần lưu ý là:
-Tra thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
-Đeo kính bảo vệ mắt cả ngày lẫn đêm trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật.
-Không dụi mắt, tránh khói bụi, không để nước tiếp xúc vào mắt mổ.
-Tránh hoạt động nặng hoặc những va chạm trực tiếp với mắt mổ.
-Trong 1 tuần đầu sau mổ, bệnh nhân nên hạn chế đọc báo, xem tivi, đọc báo hoặc làm việc trên máy tính…
– Khám mắt định kỳ tại bệnh viện mắt theo chỉ dẫn của bác sĩ